Hạt màng tang hay hạt tiêu rừng là quả của một loại cây thân gỗ thuộc họ long não, vỏ hạt có chứa tinh dầu, hạt có độ lớn như hạt hồ tiêu, khi phơi khô giống như hạt hồ tiêu, cây mọc hoang trên rừng già nên được gọi là tiêu rừng. Hạt tiêu rừng được dùng làm gia vị chế biến thực phẩm hoặc làm thuốc xong giải cảm của đồng bào dân tộc thiểu số.
MÔ TẢ VỀ CÂY TIÊU RỪNG:
Còn gọi là Tất Trừng Già tên này được thường dùng trong đông y.
Tên khoa học Litsea cubeba ( Lour) Pers.
Thuộc họ Long Não Lauraceae
– Cây tiêu rừng hay còn gọi là màng tang, có chiều cao trưởng thành từ 5m đến 7m. Là loại cây thân gỗ, cho hạt có tinh dầu phối trộn giữa sả và chanh. Cây được trồng nhiều ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc.
Lá mọc so le hình mác, mép nguyên có cuống ngắn, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới màu tro trắng, vò có mùi thơm mát của sả. Hoa khác gốc màu trắng. Quả nhỏ lúc non có màu xanh, khi chín có màu đen như hồ tiêu.
– Hạt tiêu rừng có độ lớn tương đương với hạt tiêu, nên được gọi là hạt tiêu rừng. Tinh dầu của loại hạt này cho mùi hương khá dễ chịu và thư giãn.
Thành phần hoá học của hạt tiêu rừng:
Quả chứa 2-6% tinh dầu. Một số địa phương có thể cho lượng tinh dầu cao từ 10-15%. Tinh dầu có màu vàng nhạt, có tỉ trọng 1,47-1,48. Thành phần chủ yếu của tinh dầu gồm 70-90% Xitral. Ngoài ra còn có Metylheptenon. Bã sau khi cất tinh dầu có chứa 38% chất dầu béo ( theo Trung Quốc Kinh Tế Thực Vật Chí 1961 tại trang 1338 và trang 753)
Vỏ rễ chưa 0.2% – 1,2% tinh dầu, thành phần chủ yếu là Xitral và Xitronellol.
Lá chứa 0.2%-0.4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu trong lá chủ yếu chứa 20-35% là Xineol, ngoài ra còn chứa các hợp chất andehyt khoảng 6-22%, ancol 20-25%.
Hoa của cây Màng Tang cũng chứa một lượng ít tinh dầu chủ yếu là hợp chất andehyt.
Thời gian thu hoạch
– Cây thường ra hoa vào mùa xuân hè. Thời gian thu hái vào khoảng tháng 7-8 đối với Tây Nguyên và vào tháng 4-6 với vùng núi trung du Tây Bắc.
– Tiêu rừng được hái cả cành, sau đó tách quả và nhặt sạch cuộng rồi phơi khô.
– Để làm thuốc người ta hái trái để cất tinh dầu, ngoài ra còn dùng đến rễ, rễ được đào về rửa sạch, thái mỏng phơi hoặc sấy rồi bảo quản dùng dần.
CÔNG DỤNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG HẠT TIÊU RỪNG:
– Hạt tiêu rừng thường được dùng làm gia vị cho các món nướng như thịt, cá.
– Hạt còn là nguyên liệu để xông hơi, nấu nước tắm giúp thư giãn và giải trừ cảm phong…
– Người Tây Nguyên thường lấy hạt tiêu rừng để ngâm rượu xoa bóp, chiết xuất tinh dầu và dùng làm gia vị.
– Theo Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam của Giáo Sư Đỗ Tất Lợi – 2006 trang 416-417 thì Quả Màng Tang là một nguyên liệu chưng cất tinh dầu làm nguồn Xitrala dùng trong nước và phục vụ nhu cầu Xuất Khẩu sang chủ yếu Trung Quốc.
Người ta dùng quả và rễ để chữa đau bụng, không tiêu, chữa nhức đầu và còn dùng chữa rắn cắn.